Trang

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Kiến trúc nhà ở của người Việt

Ngày xưa, phần lớn dân chúng đều ở nhà tre lợp tranh. Nhà thường được làm ba gian hai chái, mỗi gian rộng chừng năm thước ta, bề sâu từ đằng trước đến đằng sau là tám – chín thước, cao mười thước, kể từ nóc xuống. Cột, kèo, xà, đòn tay, rui, mè toàn bằng tre hoặc bương, đục lỗ, luồn giằng nhau vững chắc với những con xỏ cài giữ và buộc bằng mây. Hai đầu nhà và suốt mặt phía sau được bít kín bằng vách trát bùn nhào trộn với rơm. Phía trước thường để trống, chỉ khép lại khi cần bằng những tấm phên nứa đan; khi mở nhấc đặt sang một bên hoặc chống lên đằng trước. Nhà lợp bằng rạ phơi khô, trải lợp có nẹp buộc, gọi là lợp bộ, hoặc đánh thành tranh (gianh) lợp được bền lâu.
Người khá giả đôi chút thì làm nhà bằng gỗ nhỏ bào trơn đóng bén, hai mái bằng đòn tay bương, lợp rạ, hay cỏ tranh, lá gồi. Thường chủ nhà không đủ sức làm ba chuồng cửa ngay khi làm nhà, mà phải để lại làm sau, vì mười hai cánh cửa gỗ ván với ngạch ngưỡng, cũng phải tốn một món tiền không nhỏ.
Người giàu có làm nhà bằng gỗ quý, lợp ngói. Làm nhà kiểu đại khoa năm gian, toàn bằng gỗ đục chạm, sáu hàng cột ba mươi sáu chiếc, mười bốn hàng xà bảy mươi chiếc, chưa kể long cốt, rường, bẩy, kẻ… Nhà làm rộng lắm cũng không bao giờ quá tám mét, và cao tới sáu mét, kể từ nóc xuống, vì làm không quá cao là để tránh gió bão. Năm gian sáu vì kẻ chuyền hoặc chồng rường, tiền bẩy hậu kẻ; thay vì kẻ chuyền, có nhà làm mê đục chạm công phu. Dưới chân ba mươi sáu cột là ba mươi sáu viên đá tảng, nền vuông mặt tròn nổi có chỉ viền chung quanh. Việc đặt những viên đá tảng này cũng là việc quan trọng, phải chọn ngày tốt và làm lễ cúng Thổ thần, gọi là lễ In tảng.
Nhà to đến mấy thì mỗi gian cũng không bao giờ làm rộng quá cỡ, tính theo thước Lỗ Ban, tức là không quá bảy thước ta, thành ra nhà năm gian rộng lớn, chiều dọc cũng không quá bốn mét. Lại phải chia khoảng mỗi gian hơn kém, không đều nhau để tránh gặp những cung xấu, tính theo tuổi của chủ nhân đối chiếu với hướng nhà.
Đằng sau nhà là tường xây kín, gọi là bức hạ; phía trước là cửa ra vào, hai bên chỉ có cửa nhỏ thông sang gian buồng. Cửa đằng trước, mỗi gian có bốn cánh; nhà gỗ nhỏ thì làm bạo với cánh cửa bức bàn, nhà to thì bao giờ cũng đóng đố và làm cửa ô con tiện. Nhà ngoài ngăn cách với buồng bằng bức bàn gỗ, có khung bạo với ô đố xoi chỉ.
Kiến trúc ta không dùng đinh sắt mà đầu xà đều làm mộng thắt ăn ngàm vào cột, giằng nhau chống đỡ rất vững chắc. Phần nhiều gỗ làm nhà không được thẳng lắm, nhưng qua bàn tay khéo léo của người thợ mộc, khi cất nhà lên, các cột và xà lần lượt lắp vào mộng, dùng vồ sàm đóng khít chặt. Những khúc gỗ cắt ngắn dựng trụ chồng rường, nét chạm cong queo không có góc vuông đường thẳng, vậy mà khi lắp lên vẫn thẳng mực làm theo đường phát mái.
Khi thợ mộc đã chuẩn bị xong mọi chi tiết thì mới cất nhà. Trước hết, dựng hai cột cái giữa nhà, lắp xà lên, rồi đến các cột theo nhau với những xà ngang, xà dọc; lắp xong hết rường, bẩy, kẻ, thì đến việc quan trọng nhất là cất nóc. Cất nhà phải chọn giờ tốt đã đành, mà cất nóc còn phải chọn giờ tốt trong ngày ấy.
Hết việc thợ mộc mới đến việc thợ nề lợp mái, xây tường, đắp bờ bảng, bó nền, lát nhà. Hai đầu hồi và cả phía sau nhà là tường xây bít kín, hoặc để cửa sổ cho thoáng. Tường gạch hay đá xây bằng hồ vôi trộn cát. Nền nhà thường cao hơn sân vài bậc, khoảng 40cm.
Ngày xưa, nếu thường dân làm nhà rộng quá thể thức thông thường, với nền cao ba bậc (tam cấp), cũng như chạm trổ, đắp vẽ lộng lẫy là phạm tội lộng hành; dân cũng không được làm nhà kiểu chữ “công” hoặc chữ “môn”. Quy mô nhà tùy thuộc chức vị, phẩm hàm trong xã hội. Luật Gia Long quy định: Quan nhất nhị phẩm làm nhà 7 gian, tam đến ngũ phẩm làm nhà 5 gian. Dân thường không được làm nhà quá 3 gian và không được trang trí, không được sử dụng các gỗ tốt, quý làm nhà. Vì vậy, nhà giàu có phải xây nhà thờ gia tiên, nhà khách riêng biệt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét