Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Chậu trồng cây tự làm

Rất nhiều nguyên vật liệu xung quanh chúng ta. Sáng tạo chút là có ngay những chiếc chậu hoa xinh đẹp mà mỗi lúc ngắm nhìn nó, ta sẽ thấy thư thái, nhẹ nhàng...


Vài phút với những chiếc hộp đựng pate, thịt đã bỏ và thanh kẹp gỗ dài. Bạn có thể tạo ra những chiếc chậu hoa xinh xắn trên bàn học hay giá sách...

Nguyên liệu là những chiếc kẹp gỗ loại dài và hộp


Chỉ cần nghĩ ra những ý tưởng thú vị, bạn có thể tận dụng bất cứ vật dụng gì để góp phần tạo nên không gian ấn tượng cho từng góc nhỏ của gia đình mình. Những thanh gỗ thừa trong những lần sửa nhà cũng không ngoại lệ. Tận dụng chúng một cách thông minh sẽ giúp bạn có một không gian hoàn hảo và ít tốn kém nhất.


Từ những hộp nhựa đựng đồ ăn đã bỏ, hay những chiếc cốc nhựa... bạn cũng có thể làm 1 chậu cây xinh xắn


Nói đến bê tông nhiều người liên tưởng ngay đến những khối xi măng nặng nề và vô cảm, nhưng sự thật về những chậu hoa bằng bê tông này đã chứng minh điều ngược lại. Chúng không những chỉ tiện lợi mà còn mang tính trang trí cao. Hơn nữa chúng lại còn được làm một cách đơn giản với những vật liệu rẻ tiền nhất.


Những chiếc vỏ hộp sữa cũng trở nên ngộ nghĩnh, đáng yêu hay cá tính, mạnh mẽ, tùy vào gu thẩm mỹ và sở thích  của người tạo ra chúng - những chậu hoa đáng yêu.

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Cách chọn chậu trồng cây

Trồng thêm cây xanh là một cách tuyệt vời để trang trí cho ngôi nhà thân yêu của bạn và việc lựa chọn loại chậu cây nào cho thật thích hợp với loại cây đó mà vẫn đảm bảo sự hài hòa với quan cảnh xung quanh cũng là một trong những chi tiết quan trọng mà bạn cần phải lưu ý.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại chậu cây có hình dạng, mẫu mã, kích cỡ, màu sắc và vật liệu phong phú để đáp ứng tối đa nhu cầu của các thượng đế. Tuy nhiên, điều này cũng khiến cho các vị thượng đế của chúng ta đôi khi khá lúng túng. Vậy làm thế nào để lựa chọn loại chậu cây phù hợp nhất?

Trước khi mua chậu, hãy xem xét một số tiêu chí sau:

1. Kích thước. Kích thước của chậu sẽ được xác định bởi các loại cây trồng mà bạn sắp trồng. Nói chung, cây lớn thường cần được trồng trong các chậu lớn. Tuy nhiên, một chậu lớn không có nghĩa là nó sẽ chứa được đủ đất trồng cho rễ cây phát triển nếu như nó chỉ trông có vẻ lớn nhờ chiều cao còn miệng chậu lại quá hẹp.

2. Thoát nước. Tiếp theo, bạn phải xem xét việc thoát nước của chậu như thế nào. Có một số cây trồng sẽ cần đất phải luôn trong trạng thái ẩm ướt, điều đó cũng có nghĩa là bạn sẽ phải lựa chọn chậu có lỗ thoát nước nhỏ hơn và ít hơn ở phía đáy chậu so với các loại chậu dùng để trồng các loại cây yêu cầu đất phải khô ráo. Ngoài ra, chậu cây nên được bán kèm với đĩa bên dưới chậu. Những chiếc đĩa này sẽ đảm bảo rằng nước dư thừa thoát ra từ chậu sẽ không làm ố vàng nền nhà…

3. Màu sắc. Hãy nhớ rằng màu sắc của chậu phần lớn sẽ xác định giá trị thẩm mỹ mà nó sẽ mang đến cho ngôi nhà của bạn.

4. Cây trồng. Các loại cây trồng mà bạn đang chăm sóc sẽ đưa ra một số gợi ý giúp bạn khi lựa chọn chậu trồng. Chẳng hạn các loại cây có rễ cọc thì sẽ cần các chậu sâu có miệng hẹp trong khi các loại cây có rễ nông thì cần loại chậu nông có miệng rộng. 

5. Giá. Việc xem xét cuối cùng mà bạn cần phải nghĩ đến là giá cả. Các loại chậu làm bằng vật liệu đắt tiền và có hình trang trí nổi sẽ đắt hơn các loại chậu bằng nhựa.

Ngoài các tiêu chí trên, loại vật liệu làm ra chậu là một tiêu chí quan trọng cần phải cân nhắc tới bởi nó sẽ quyết định đến vẻ đẹp, độ bền, trọng lượng, khả năng thoát hơi nước cũng như các nhu cầu khác của cây trồng.

Chậu đất nung:

Chậu có các lỗ rỗng nhỏ cho phép độ ẩm và không khí lưu thông dễ dàng. Hơn nữa, chậu đất nung hoạt động như một chiếc bấc giúp loại bỏ độ ẩm dư thừa trong quá trình tưới nước. Vì thế chậu bằng đất nung rất thích hợp với các loại cây cần đất khô và thoát nước tốt như xương rồng, phong lan. Sử dụng chậu đất nung ngoài trời cũng thuận lợi vì chậu có thành dày giúp bảo vệ rễ của cây trước tác động của sự thay đổi nhiệt độ.


Ngoài ra, chậu đất nung theo thời gian sẽ được bao phủ thêm một lớp rêu phong ở bên ngoài thành chậu, tạo nên nét hấp dẫn riêng mà các loại chậu khác không có được. Tuy nhiên, chậu đất nung có một điểm yếu là rất dễ vỡ.


Chậu men:

Đây là loại chậu trồng cây phổ biến nhất bởi giá cả hợp lý, kiểu dáng phong phú, màu sắc đẹp, kích thước đa dạng. Chậu men thích hợp để trang trí nội thất lẫn ngoại thất. Tuy nhiên, khi lựa chọn chậu, nên lưu ý đến màu sắc của lá, hoa và màu men chậu để chúng không tiệp màu nhau bởi như vậy sẽ không làm cho chậu cây nổi bật mà ngược lại còn làm cho chậu cây trông rất buồn chán.



Chậu nhựa:

Các loại chậu nhựa có trọng lượng nhẹ, bền, nhiều màu sắc và kiểu dáng đa dạng nên có thể đáp ứng tối đa nhu cầu trang trí ngoại thất và nội thất.


Chậu nhựa có thành chậu mỏng hơn so với chậu đất nung nên nó sẽ không có khả năng cách nhiệt tốt. Ngoài ra, các loại chậu nhựa màu đen có khả năng hấp thụ nhiệt cao sẽ có thể làm nóng đất trong chậu - làm ảnh hưởng đến sức sinh trưởng của cây. Điểm yếu của chậu nhựa là sẽ bị nứt và phai màu theo thời gian.


Chậu kim loại:

Dễ bị gỉ từ các yếu tố bên ngoài và có thể rất nóng. Tuy nhiên các loại chậu này khá thích hợp để trồng cây trong các không gian hiện đại, tối giản. Để bảo vệ chậu khỏi bị rỉ sét, tốt nhất nên trồng cây trong một chiếc chậu nhựa được đặt bên trong chậu kim loại. 



Chậu gỗ:

Thường được sử dụng để trồng cây ở ngoài bậu cửa sổ hoặc ban công bởi khó có loại chậu nào có độ dài như yêu cầu của các khu vực đó. Vì chậu gỗ cũng dễ bị hoai mục theo thời gian nên trước khi trồng cây, bạn có thể dùng các chậu bằng nhựa để lót bên trong.


 
Chậu bê tông hoặc chậu đá:

Rất thích hợp để đặt ngoài trời và đặc biệt phù hợp để trồng các loại cây lớn.  Những chiếc chậu này khá nặng nên rất khó di chuyển nếu cần tuy nhiên, điều này sẽ lại hạn chế tình trạng chậu cây bị trộm đánh cắp.


Tuy có nhiều loại chậu trồng cây là thế nhưng nếu bạn yêu thích sự sáng tạo và thích tái chế thì các vật dụng hàng ngày chẳng hạn như một chiếc giày cũ, ấm trà, giỏ mây, hộp thiếc đựng bánh, lốp xe cũ hay chiếc xe cút kít... cũng có thể trở thành các loại chậu trồng cây độc đáo.


Tháng 6 - đỏ rực hoa phượng nở

Có lẽ trong các loài hoa đua nở mùa hè, hoa phượng vẫn nổi trội nhất bởi sắc đỏ và độ rực rỡ như "đốt cháy" mọi ánh nhìn. Vậy mà cứ nhìn thấy phượng nở, trong ta lại mang bao cảm xúc nhớ thương...


Phượng Vĩ tượng trưng cho những kỷ niệm, những nhớ thương, để khi nhìn vào nó, ta như thấy quá khứ một thời ùa về, cảm xúc lại dâng trào...



Chùm đỏ rực rỡ giữa ngày hè cùng tiếng ve râm ran, làm xao xuyến mỗi lúc ngắm nhìn. Một thời cắp sách tới trường, vô tư, hồn nhiên và tinh nghịch...

Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng...


Cùng ngắm nhìn những hình ảnh đẹp của hoa phượng vĩ để hoài niệm về một thời mơ mộng nhất thủa áo trắng tới trường.





Thêm sắc đỏ cho bờ hồ Hoàn Kiếm



Xào xạc cánh hoa rơi đỏ rực trên bờ hồ



Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Điểm nhấn không gian với bình hoa nghệ thuật

Điều thú vị nhất trong một căn nhà không phải sự nguy nga mà chính là ở chỗ từ góc nào cũng có cái để… nhìn. Bình nghệ thuật có thể là "điểm nhấn không gian" rất đạt.

Những chiếc bình thuỷ tinh đầy màu sắc làm sáng cả một góc nhà
 
Lúc đó, ngôi nhà không bị đóng kín, thay vào đó nó được mở ra nhiều khoảng trống để từ đó làm nên những điểm nhìn. Trên một khoảng tường trắng hay một góc bàn trống, những chiếc bình hoa như những điểm nhấn làm sáng bừng không gian.
 
Bình pha lê trong suốt cắm hoa rực rỡ trên bàn ăn làm tăng cảm giác ngon miệng
 
Có đôi khi, bình hoa không cần hoa. Bản thân màu sắc và chất liệu kiểu dáng của những chiếc bình cũng dã là một vật trang trí tuyệt hảo.
 
Ba chiếc bình như những giọt nắng đậu trên bàn
 
Chất liệu thuỷ tinh cao cấp và chế tác khéo léo biến chiếc bình thành những đồ trang trí tinh xảo
 
Nguyên tắc bài trí bình cơ bản nhất là trang điểm cho không gian, chứ không phải là lấn át không gian. Nghĩa là căn phòng hay khu vực trưng bày bình phải được "dọn" tương ứng và có mục đích để khi đưa bình vào thì yếu tố thẩm mỹ và điểm nhấn được tăng lên.
 
Một bức tường vàng tươi, quyển sách và chiếc bình trắng
 
 
Bạn cũng cần căn cứ vào kích thước bình để chọn vị trí. Bình lớn nên đặt ở góc cầu thang, góc phòng. Loại trung bình có thể bố trí ở bàn góc salon, tủ lớn. Bình loại nhỏ bày trên kệ, bậu cửa sổ hay hốc âm tường.
 
Những chiếc bình kết hợp chậu hoa làm thành một góc độc đáo bên cửa sổ
 
 "Chậu trồng cây" độc đáo trên bàn
 
 Chủ đề của bình cũng cần được cân nhắc sao cho phù hợp với thời điểm mà gia chủ sắp đặt, ví dụ như dịp Lễ Tết, Giáng sinh hay sinh nhật đều nên khác nhau. Bây giờ là mùa hè, những chiếc bình pha lê trong suốt điểm vài nhánh non gợi cảm giác thiên nhiên thoáng đãng và trong lành. Mùa đông sẽ là những ly thuỷ tinh màu đỏ lửa rực rỡ như những trái châu trên cây Noel như niềm khát khao an lành và hạnh phúc.
 
Màu trong suốt của thuỷ tinh làm nổi vẻ đẹp của cây và sỏi

Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

Cây thủy sinh - Xanh tốt cho bất cứ văn phòng nào

Là một trong những sản phẩm trang trí bàn làm việc bán chạy nhất hiện nay. Những loài cây hoa sống bằng nước, được nuôi cả lá, gốc lẫn rễ trong bình thủy tinh sạch đẹp có giá bán từ khoảng 100.000 - 500.000 đồng/bình

 

Mọi đỉnh cao của sáng tạo đều đòi hỏi sự thoải mái, vui vẻ, thanh thoát, phấn chấn từ tinh thần cho đến thể chất. Một không gian xanh mát, trong lành và đẹp mắt nơi văn phòng sẽ là nguồn cảm hứng để thăng hoa và sáng tạo, hay chí ít là mang lại cho chúng ta những giây phút thư giãn, lấy lại năng lượng để tiếp tục những giờ làm việc hăng say, hiệu quả và hoàn thành tốt nhất công việc của mình.

Văn phòng làm việc thêm sinh động và trong trẻo, xinh đẹp hơn nhờ có cây

Ngày nay, việc mang cây xanh vào văn phòng làm việc chẳng còn là chuyện khó nữa, và ai nấy đều có thể trồng cây ngay trên bàn làm việc của mình. Loại cây phổ biến hiện nay không kén người trồng và dễ dàng sống trong nhà, tức trong điều kiện thiếu ánh sáng mặt trời đó là cây thủy sinh.

Mỗi bàn làm việc đều có thể dành một góc nhỏ cho cây thủy sinh

Dùng cây thủy sinh để trang trí nội thất văn phòng không những mang lại cho chúng ta không gian tươi mát, sinh động, đẹp mắt, mà còn là yếu tố phong thủy tuyệt vời. Theo phong thủy thì nước mang lại tiền tài, cây xanh mang lại không khí trong lành, giải độc cho không gian. Một môi trường duy trì sự sống và sự phát triển của cây xanh tức là môi trường tốt cho con người, và có lợi cho sự thăng tiến của tổ chức.

Kết hợp trồng cây thủy sinh “trong” bàn làm việc, giải pháp cho không gian hẹp

Cây thủy sinh tuy nhỏ nhắn, mảnh mai, nhưng không “đỏng đảnh” và “khó chiều”; chúng “cho” nhiều hơn là “đòi hỏi”. Mỗi tuần, bạn chỉ cần mang cây ra ngoài cho chúng đón khí trời vài giờ đồng hồ, thay nước cùng với dung dịch dành cho cây, rồi việc còn lại là bạn tận hưởng những niềm vui mà cây thủy sinh mang lại.

 







Nhìn ngắm vẻ đẹp của lá và bộ rễ độc đáo của cây thủy sinh xuyên qua bình thủy tinh trong veo, bạn sẽ cảm thấy thật sự thư giãn và tràn đầy sức sống. Mỗi ngày, quan sát cây thủy sinh trên bàn làm việc, bạn sẽ thấy những điều kỳ diệu của sự sống qua quá trình sinh sôi, nảy nở và lớn lên của cây thủy sinh. Chính điều này gợi nhắc bạn về sức vươn lên của bản thân, không cho phép bạn để một ngày trôi qua vô ích mà không phát triển chính mình qua công việc mình đảm nhận. 

 Cây thủy sinh trong văn phòng sẽ giúp da đỡ bị khô hơn với điều hòa

Ngoài việc trang trí cho văn phòng, cây thủy sinh là một trong những món quà ý nghĩa mà công ty có thể dùng làm quà tặng cho nhân viên của mình.  


Hãy mang màu xanh và sự sống vào từng không gian làm việc. Đây là một cách để mỗi người góp phần vào việc bảo vệ môi trường sống của chính mình.


Cây xanh được trồng bằng phương pháp thủy canh

Từng thành công với nhiều mô hình trồng rau, quả như cà chua, bắp cải, xà lách… mới đây, Nguyễn Văn Quy giảng viên Khoa Nông học, ĐH Nông lâm Huế lại thành công với mô hình nghiên cứu trồng cây kiểng bằng phương pháp thủy canh.

Từ nhỏ, Quy đã đam mê nghề trồng cây cảnh, đặc biệt là trò ươm giống cho cây nẩy mầm. Khi đã trở thành giảng viên, ngoài những giờ lên lớp, Quy còn dành nhiều thời gian nghiên cứu các đề tài khoa học để phục vụ cho việc giảng dạy của mình. Để thực hiện được điều đó Quy đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn. Phải tự bỏ tiền túi, huy động vốn từ gia đình mua hàng trăm loại cây kiểng khác nhau về trồng bằng phương pháp thủy canh mà anh đã dày công nghiên cứu.

Hiểu kỹ tính cây

Theo Quy, nếu trồng kiểng lá trong chậu đất đòi hỏi rất kỹ khâu chọn giống, đất, phân bón và có một chế độ nước tưới hợp lý thì trồng thủy canh cây cảnh đơn giản, tiện lợi hơn nhiều. Chỉ cần một chậu thủy tinh, một giỏ nhựa có kích cỡ phù hợp với cây, sau đó tách cây từ chậu đất, dùng nước rửa sạch rễ, cắt phần rễ thối và rễ bị tổn thương, giữ lại rễ chính và rễ khỏe. Sau đó, đặt cây vào giỏ nhựa và hòa khoảng 10 giọt nước dinh dưỡng vào bình nước thủy tinh để cây hấp thu dinh dưỡng.

 


Những cây cảnh “khó tính” như trúc, hoa chuông... có thể trồng ở trong môi trường này, thậm chí trồng xương rồng, một loại cây vốn không ưa nước. Ngoài ra, người trồng có thể kết hợp nuôi cá cảnh, tạo ra hình thế phong thủy hài hòa trong nhà hay phòng làm việc, phù hợp với thị hiếu chơi cây cảnh hiện nay. “Sau 20 ngày khi bộ rễ phát triển tốt, đẹp thì có thể bổ sung thêm dung dịch dinh dưỡng một lần. Nhờ nguồn nước lưu trữ trong bình nên cây có tốc độ phát triển nhanh hơn so với bình thường, hạn chế sâu bệnh, ô nhiễm môi trường. Tuổi thọ của cây gấp hai đến ba lần so với trồng trong đất”, anh Quy giải thích.

“Quá trình nghiên cứu trồng thủy canh không khó, nhưng công đoạn pha chế chất dinh dưỡng quả là thử thách… Nhiều hóa chất có liều lượng rất nhỏ, phải dùng cân tiểu ly để cân đối liều lượng”, Quy cho biết thêm.

Bằng đam mê lớn, anh đã thành công với công thức pha chế gồm 16 loại hóa chất, mang tên NQ2 cần thiết như ở trong môi trường đất.

Sẵn sàng chuyển giao công nghệ

Mô hình trồng cây theo hình thức thủy canh ở một số nước tiên tiến như Mỹ, Australia, Canada... khá phổ biến, tuy nhiên những loại dung dịch dinh dưỡng như thế này bán ở thị trường Việt Nam khá đắt. Bởi vậy, công thức pha chế dung dịch NQ2 được anh Quy dày công mày mò, nghiên cứu cho “ra lò” thì sản phẩm này đã đến với tay bà con với giá từ 10.000 – 20.000 đồng một lọ.

Giảng viên trẻ này đang đang giới thiệu rộng rãi sản phẩm dung dịch dinh dưỡng NQ2 cũng như chuyển giao, hợp tác công nghệ, kỹ thuật cho bà con nông dân, nhà sản xuất nông nghiệp trong việc ứng dụng trồng và đưa vào sản xuất kiểng lá, rau mầm, thủy canh xà lách, dưa chuột, ớt và một số loại hoa. “Chỉ cần vài m2 trên sân thượng hay ở góc hè, với phương pháp thủy canh này là gia đình đã có rau sạch để ăn. Với dung dịch NQ2 cho phép sản xuất rau, quả sạch, không có tồn tại dư lượng hóa chất độc hại, sản lượng thu hoạch rất cao”, Quy chia sẻ.

Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Trồng rau sạch ở đô thị bằng vườn treo thẳng đứng

Rau sạch, cây xanh cho nhà phố luôn là vấn đề quan tâm của mọi người, mọi nhà.
Làm gì với không gian nhỏ hẹp của nhà phố chật hẹp mà có rau sạch nhà tự trồng, cây xanh mát và làm đẹp thêm cho ngôi nhà?

Năm 2011 vừa qua, Giảng viên Khoa Lâm Học - Trường Đại Học Nông Lâm Huế - thầy Nguyễn Văn Quy đã tạo ra thẳng đứng, tiết kiệm diện tích hơn vườn treo nằm ngang thông thường.
Anh nhận thấy diện tích ở khu vực đô thị chật hẹp, việc phát triển cây xanh khó khăn, từ đó nảy ra ý tưởng làm vườn thẳng đứng.

"Tại khu vực đô thị thường có diện tích trống như ban công, sân trước nhà. Do đó, nếu thiết kế được các bộ dụng cụ phù hợp, có thể giúp các hộ gia đình tận dụng các diện tích này để sản xuất rau sạch cho bữa ăn gia đình hay trồng các loại cây cảnh để phục vụ cho giải trí", Nguyễn Văn Quy chia sẻ về ý tưởng thực hiện đề tài của anh.

Từ đó, Quy đã nghiên cứu và thiết kế ra bộ dụng cụ vườn treo, có thể đặt ở bất cứ vị trí nào trong ban công, sân thượng để trồng rau hay cây cảnh. 

Tác giả và mô hình trồng rau vườn treo
Nguyễn Văn Quy và mô hình trồng rau vườn treo. Ảnh do tác giả cung cấp.
Tác giả cho biết với bộ dụng cụ vườn treo này, chỉ cần 5m2 mặt bằng cũng có thể trồng được hàng trăm gốc rau hay cây cảnh các loại.
Trồng rau bằng bộ dụng cụ này còn góp phần giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, hay xây dựng các trang trại trồng rau trên các vùng đất cát, sa mạc, vùng đất ngập nước, nhiễm mặn, nhiễm phèn, hay các vùng hải đảo.
Bộ dụng cụ gồm 4 bộ phận: bộ phận phân phối và thu hồi dinh dưỡng, bộ phận trồng cây, modul khung cố định vườn và modul điều khiển thời gian tưới. Nó hoạt động theo phương pháp thủy canh hồi lưu, được treo thẳng đứng trong không gian.
Người trồng chỉ cần trải tấm thảm trồng ra, dùng móc treo lên khung, sau đó kết nối đồng hồ, thùng nước và hệ thống tưới lại với nhau. Tiếp theo là dùng một ít trấu hun hoặc mụn dừa bỏ vào túi trồng rồi gieo hạt hoặc cây con vào đó. Đến thời gian thiết lập, đồng hồ sẽ cấp điện cho bơm hoạt động để bơm nước và dinh dưỡng lên phía trên vườn.
"Hệ thống hoạt động hoàn toàn tự động nên không tốn công lao động, sử dụng hiệu quả lao động và thời gian. Sản phẩm hoàn toàn sạch do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật", Quy nói.

Nghiên cứu trên của Nguyễn Văn Quy vừa nhận giải thưởng vì môi trường xuất sắc do Hội đồng Anh trao tặng năm 2011 vừa qua.
Quả là một giải pháp tuyệt vời cho mọi ngôi nhà.