Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Điều gì "thúc" huệ tây trổ bông?

Đang là mùa huệ tây trổ bông nên chắc hẳn mọi người cũng muốn tìm hiểu thêm về loài hoa này.

Trước đây, lan huệ không được ưa chuộng bằng những loài hoa khác vì ở VN chúng không đa dạng sắc màu cho nên chúng được sống tự nhiên, lúc nào muốn trổ bông thì trổ.  Giờ đây khi con số những người yêu thích loài hoa này ngày càng tăng thì mọi người lại muốn "điều khiển" lan huệ cho chúng trổ bông theo ý muốn của mình thay vì phải ngồi nhìn một đám lá màu xanh quanh năm suốt tháng.
Điều gì thực sự thúc đẩy lan huệ trổ bông?
"Dân chơi huệ ở VN" chúng ta "ép" lan huệ trổ bông theo vài cách, hoặc là "nhổ lên-phơi nắng-trồng xuống", hoặc là "nhổ lên-cắt lá và rễ-phơi chỗ mát đợi lên vòi bông-trồng xuống", hoặc là "nhổ lên-cắt lá và rễ-cho ngủ tủ lạnh-trồng xuống". Mỗi cách làm đều có thể mang lại kết quả nhất định, nhưng có lẽ chúng ta chưa hiểu hết một cách chính xác vì sao những cách "ép" huệ như vậy lại khiến huệ trổ bông?

Một số người cho rằng khi bị nhổ ra khỏi đất thì củ huệ bắt buộc vì lý do bảo tồn nòi giống, nó phải trổ bông nên không cần làm thêm gì nữa. Theo thông tin tham khảo, việc cây cối khi bị đe dọa cuộc sống, thường có phản ứng "tự vệ" bằng cách lập tức trổ bông (bloom on emergency). Vì vậy người ta thường ứng dụng phản ứng này để ép một số loài cây trổ bông, ra trái. Nhưng đối với lan huệ thì chuyện này không xảy ra bởi lẽ vòi bông trong củ huệ đã được hình thành từ 18 tháng trước khi trổ ra ngoài. Như vậy việc chúng ta nhổ bật gốc rễ của nó không phải là làm cho nó "sợ" để phải trổ bông tức thì. (Tài liệu tham khảo thêm tại đây.)
Việc chúng ta nhổ lan huệ lên rồi cắt hết rễ và lá của nó, chủ yếu là ép cho củ huệ không tăng trưởng nữa. Quan sát trong tự nhiên, người ta thấy cây lan huệ phát triển theo chu kỳ, và đến một giai đoạn nào đó trong chu kỳ nó ngừng phát triển rễ và lá (dormancy), để dồn dinh dưỡng đẩy những vòi bông đã có sẵn trong củ ra ngoài và trổ bông. (Tài liệu tham khảo thêm tại đây.)

Thời gian lan huệ ngừng phát triển thường rơi vào mùa mà khí hậu bên ngoài xuống thấp, ánh sáng mặt trời yếu. Đến lúc ấy, lan huệ "hiểu" rằng không nên phát triển rễ và lá nữa mà nên đẩy vòi bông ra ngoài đợi đến khi thời tiết ấm áp hơn để trổ bông.

Các công ty kinh doanh lan huệ hàng đầu trên thế giới đã "nắm" được quy luật ấy của lan huệ nên họ thường thực hiện những công đoạn xử lý tương tự thiên nhiên bằng cách hạ nhiệt độ và giảm ánh sáng làm cho lan huệ "nghĩ" rằng đã vào mùa đông để ra sức "đẩy" vòi bông ra ngoài.

Và những người nghiên cứu về lan huệ có uy tín đã đi đến kết luận rằng: chính nhiệt độ và ánh sáng đã thúc lan huệ trổ bông. (Xem tài liệu tham khảo đã dẫn). Riêng tôi nghĩ rằng, đối với những người trồng lan huệ ở xứ nóng quanh năm, ánh sáng chan hòa thì việc "ép" huệ trổ bông bằng cách "ngủ tủ lạnh" là hoàn toàn cần thiết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét