Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

Văn phòng xanh cho cuộc sống tươi đẹp hơn


Văn phòng xanh đang trở thành một khái niệm ngày càng phổ biến nhằm nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng cuộc sống của con người. Và bạn hoàn toàn có thể tự tạo ra một văn phòng xanh cho mình với các loại cây xanh văn phòng xinh xắn, đa dạng.

Ngày nay, phần lớn thời gian của chúng ta là ở trong văn phòng và thường xuyên tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm từ máy photocopy, máy in, thiết bị điều hòa không khí… Điều này không chỉ ảnh hưởng đến làn da, sức khỏe của người phụ nữ mà quan trọng hơn, còn chi phối cảm nhận của họ về cuộc sống. 

Một nghiên cứu của Đại học bang Texas (Mỹ) khi khảo sát 450 nhân viên văn phòng ở Texas và Midwest đã cho thấy: tất cả những người làm việc trong văn phòng có cây xanh và cửa sổ đều cảm thấy hài lòng với chất lượng cuộc sống nói chung, trong khi có đến 58% những người làm việc trong văn phòng không có cây xanh và cửa sổ trả lời rằng họ cảm thấy khổ sở và bất mãn. 
Vậy bạn còn chần chừ điều gì mà không tạo ngay một không gian xanh bên bàn làm việc, vừa để tận hưởng cảm giác thư thái do thiên nhiên mang lại sau những giờ phút căng thăng, nạp thêm năng lượng cho thử thách mới, vừa tác động tốt lên sức khỏe, cho bạn cuộc sống tươi đẹp hơn.
Lựa chọn cây xanh trong văn phòng

Tùy khả năng thanh lọc không khí của từng loại cây và cách bố trí mà bạn chọn đưa cây xanh nào vào văn phòng. Nếu muốn đặt cây trong không gian rộng thì những cây cao trên 1m sẽ khá lý tưởng, nhưng nếu không có điều kiện để làm như vậy thì bạn vẫn hoàn toàn có thể tạo không gian xanh ngay góc làm việc của mình bằng những loại cây nhỏ để bàn.

Chọn cây xanh cho không gian rộng

Cây Huệ Hòa Bình rất được ưa chuộng vì chúng có hình dáng đẹp, lá xanh mướt, hoa trắng, mang lại cảm giác thư giãn trong văn phòng. Bạn không cần phải mất quá nhiều thời gian để chăm sóc, lại có tác dụng loại bỏ loại bỏ được cồn, acetone, trichloroethylene, benzene và formaldehyde, là những khí mang nguy cơ gây ung thư, có nhiều trong các máy móc in ấn, khói thuốc lá, vật liệu xây dựng (gỗ ép, sơn và dầu bóng, keo…).
Loại cây treo mềm mại thì có cây dây nhện với những chuỗi dây dài, cuối thân dây điểm hoa trắng nhỏ hình ngôi sao. Có giống lá xanh tuyền hoặc là xanh sọc trắng. Chỉ cần tưới nước khi nào đất gần khô. Năm 1984, Cơ quan Không gian Hoa Kỳ NASA đã khẳng định khả năng hút độc tố trong không khí của loại cây này và khiến nó trở nên nổi tiếng.
Trong trường hợp văn phòng của bạn có không khí hơi khô thì cây trầu bà tay Phật sẽ giúp cân bằng độ ẩm cần thiết. Ngoài khả năng hút formaldéhyde , cây này còn “thở” ra nhiều hơi nước. Cây này có đặc điểm là ưa nước và không cần nhiều ánh sáng.


(Cây Trầu bà tay Phật)
Chọn cây xanh cho góc làm việc

Lý tưởng nhất cho bàn làm việc là cây hoàng tâm diệp (cây tim vàng), có khả năng hút các chất phát xạ từ máy móc, dễ trồng, sống trong môi trường đất hoặc môi trường nước đều được.
Ít mất công chăm sóc hơn nữa là cây hoa đá, là loại cây sa mạc nên bạn chỉ cần tưới nước 2 lần/ tuần, tưới vừa thấm đất là được. Hoa đá có khả năng làm giảm các sóng điện từ có hại cho sức khỏe, đồng thời hút ammoniac nên cũng có thể đặt trong nhà vệ sinh.


(Cây hoa đá)

Cây xương rồng thì đã quá phổ biến rồi, nhưng ít ai biết rõ công dụng đặc biệt của nó. Xương rồng làm giảm tác hại của các phát xạ từ máy tính, hạn chế những cơn nhức đầu và căng thẳng do làm việc quá lâu với máy tính, giúp bạn lấy lại trạng thái cân bằng.


(Cây xương rồng)

Ngoài công dụng làm đẹp, cây lô hội (nha đam), loại lô hội nhỏ, trồng để bàn được, còn có công dụng loại bỏ phần lớn formaldehyde, benzene, toluene, và một số chất gây dị ứng khác trong không khí. Cách chăm sóc tương tự như cây hoa đá.

Cách chăm sóc cây xanh trong văn phòng

Cây xanh, dù có khả năng thanh lọc không khí và thích nghi tốt với không gian kín đến mức nào đi nữa thì vẫn cần có ánh sáng để tích hợp đủ dưỡng chất cho cây. Vì thế, ngoài việc tưới nước, bạn cũng cần phải chú ý đến điều kiện ánh sáng.
Với loại cây to đặt ở không gian rộng, tốt nhất là hãy đặt gần cửa sổ hoặc nơi nào có ánh sáng chiếu vào, giúp cây phát triển mạnh và lọc không khí tích cực hơn.
Với loại cây nhỏ để bàn, mỗi cuối tuần, trước khi ra về, bạn hãy mang cây đặt gần cửa sổ, hoặc ban công bên ngoài phòng làm việc, nơi có nhiều ánh sáng giúp cây quang hợp đủ chất dinh dưỡng để cung cấp cho bộ máy thanh lọc không khí hoạt động hiệu quả hơn trong tuần làm việc kế tiếp.

Cây xanh mang lại bầu không khí trong lành, hấp thụ hầu hết các chất thải có nguy cơ tổn hại đến sức khỏe con người. Màu xanh dịu mát của cây còn giúp tâm trạng trở nên thư thái, giải tỏa những căng thẳng công việc. Vì thế, khi làm việc trong một văn phòng xanh gần gũi với thiên nhiên, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống cũng “xanh” hơn, tươi đẹp hơn.

Bí quyết trồng cây trong nhà

Nếu yêu thích vẻ đẹp xanh tốt và tươi tắn của cây cối, dù nhà chật hay rộng thì bạn vẫn có bí quyết mang đến những góc nhỏ đáng yêu cho ngôi nhà bằng cách trồng cây xanh.
Khi trồng cây trong nhà, bạn nên lựa chọn những chiếc chậu vừa phải và phù hợp với phong cách thiết kế của ngôi nhà. Bên cạnh đó, hãy lựa chọn những loại cây mà mình yêu thích, có kiểu dáng vừa phải, thích hợp với bất cứ góc nhỏ nào trong tổ ấm của bạn. Đôi khi, ngồi ngắm nhìn những khóm cây trong chậu luôn xanh tốt cũng sẽ tạo cảm giác thoải mái và tươi mát khi sống trong phòng.

Để trang trí trong nhà thật tự nhiên và bắt mắt, bạn có thể tham khảo thêm những loại cây thường trồng và dễ chăm sóc như sau:

Cây phát lộc
trong-cay-trong-nha.jpg

Ưu điểm lớn của cây phát lộc là chăm sóc rất dễ dàng, không cầu kỳ và tốn nhiều thời gian. Với những cây uốn nghệ thuật, bạn cũng nên chăm chút cẩn thận giúp cây được tốt tươi hơn. Bạn nên chú ý tưới cây đều đặn và không nên đặt cây dưới ánh nắng trực tiếp.

trong-cay-trong-nha.jpg

Loại cây xanh có nhiều đốt này thường được đặt trong phòng khách hoặc cửa sổ của các phòng. Những chậu cây phá lộc có thể đặt trên bàn làm việc, bàn trà phòng khách hay tiền sảnh, cửa ra vào vừa tạo không gian xanh trong nhà vừa có ý nghĩa mang tài lộc, may mắn vào nhà.

Trồng xương rồng

trong-cay-trong-nha.jpg

Xương rồng là loại cây dễ sống, luôn tốt tươi mà không cần chăm sóc thường xuyên. Với bất kỳ loại xương rồng nào, bạn đều có thể chọn một chiếc bát trồng với những gam màu sắc trẻ trung để không gian trong nhà thêm ấn tượng hơn. Hãy giúp từng góc nhỏ như bàn làm việc, tủ, kệ phòng ngủ thêm sức sống với chậu xương rồng sinh động...

trong-cay-trong-nha.jpg

Xương rồng ưa ánh sáng và cần sự thông thoáng nên rất thích hợp đặt ở cửa sổ, ban công, giá sách gần cửa sổ...
trong-cay-trong-nha.jpg

Để đảm bảo xương rồng phát triển tốt nhất, bạn nên chú ý khi đất trong chậu cây có dấu hiệu khô thì bạn nên tưới một lượng nước nhỏ. Thông thường, mùa đông nên tưới 1 lần/1 tuần, mùa hè cây hút nước nhanh hơn thì nên tưới 2 lần/1 tuần.

Chăm sóc cây quýt cảnh
trong-cay-trong-nha.jpg

Cây quýt cảnh có thể trồng trong chậu hoặc giỏ treo. Nếu bạn thích có 1 vài cây quýt trong nhà, bạn hãy mua đất hoặc lấy đất trong vườn để trồng cây. Quýt là loại cây ưa sáng, chịu ẩm ướt. Bạn nên tưới nước đều đặn, nhất là vào mùa khô để đảm bảo cây phát triển xanh tốt, không bị úa vàng.
trong-cay-trong-nha.jpg

Bên cạnh đó, nếu bạn muốn cây ra hoa kết trái, bạn nên chú ý đến việc bón phân và phòng trừ sâu bệnh định kỳ cho cây. Hiên nhà hoặc góc nhỏ trong phòng của bạn sẽ thêm tươi tắn và ấm áp với cây quýt sai quả.
Theo Archi

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

Lựa chọn cây xanh cho nội thất

Chỉ một vài bình hoa, chậu cảnh cũng đã góp phần làm tươi mới không gian sống vốn giản đơn và khô cứng. Tuy nhiên lựa chọn loại cây phù hợp với đặc điểm của căn phòng, sở thích của chủ nhà là chưa đủ, cây xanh cần phải được đặt đúng nơi, đúng lúc mới phát huy hiệu quả tối đa.       
                     
Cây xanh trong thiết kế nội thất thường được sử dụng như 1 yếu tố trang trí, giúp không gian nhìn sinh động hơn, hoặc đơn giản chỉ để che những khuyết điểm của không gian. Tuy nhiên theo kết quả nghiên cứu vừa được công bố bởi NASA gần đây, cây xanh đặc biệt cần thiết cho nội thất văn phòng, đặc biệt cho loại văn phòng trong các tòa cao ốc. Ngoài yếu tố trang trí, chọn loại cây thích hợp cho có thể góp phần tăng ảnh hưởng tốt đến sức khoẻ của con người. Với quy trình “quang hợp”, cây xanh có thể góp phần làm giảm khí độc hại, khí nóng thải ra từ máy móc và con người làm việc trong không gian đó. Tùy từng loại cây khác nhau sẽ có khả năng hấp thụ khí độc khác nhau.
Lựa chọn hàng đầu trong danh sách của NASA cho cây xanh trong nội thất văn phòng bao gồm:

1 – Cây Cọ Lá Tre ( Bamboo Palm ) có tên khoa học là Chamaedorea Seifritzii



2 – Vị trí thứ 2 được dành cho cây họ “Chinese Evergreen” hay còn gọi là cây Ngân Hậu



3- Thật bất ngờ, theo nghiên cứu cho thấy Cúc Đồng Tiền lại có khả năng thanh lọc không khí rất mạnh mẽ.


4 – Kế đến phải kể đến các cây thuộc họ “Dracaena” như:


Cây Phát Tài


Cây Phát Tài Núi - Cây Long Huyết

5- Cây Lưỡi Cọp



6- Lan Hoà Bình

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Cây xanh nội thất

Cây và hoa ắt hẵn không nhiều thì ít, mang lại cho chúng ta sự thanh thản bình yên! Chẳng thế mà nhà nào cũng chưng hoa trong phòng khách nếu không là quanh năm suốt tháng thì cũng vào những dịp lễ lạc hội hè.

Hoa đem lại màu sắc cho ngôi nhà nhưng chưng hoa trong nhà thì khá tốn tiền vì hoa chưng không được bền do điều kiện sinh trưởng của chúng đòi hỏi phải có nhiều ánh sáng, thậm chí là nắng và chúng ta phải thay đổi liên tục. Tuy vậy cũng có một vài loại hoa sống được trong nhà nhiều ngày.

Ứng viên đầu tiên cho loại này là Lan ý, tiếng Anh gọi là Peace lily. Lan ý có hoa màu trắng, lá xanh mướt rất dễ trồng và khá phù hợp với điều kiện ánh sáng yếu. Lan ý cũng phù hợp với mọi miền khí hậu, nhưng thích nhứt là khí hậu nóng ẩm.

Nếu bạn ở xứ lạnh quanh năm, như Dalat, bạn có thể trồng African violets để có hoa chưng trong nhà quanh năm suốt tháng. African violets cũng khá dễ trồng với điều kiện đảm bảo khí hậu thích hợp, từ 15o đến 25oC. Chúng có thể ở mãi trong nhà bên cạnh cửa sổ và trổ bông mút mùa, đợt nọ kế tiếp đợt kia.

Hồng môn / Anthurium cũng là ứng viên sáng giá để trồng trong nhà. Hồng môn có nhiều loại, loại cao to (gọi là đại hồng môn) và loại cao vừa (trung môn) thì không phù hợp trồng trong nhà lắm do chúng rất to. Ngược lại loại mini (gọi là tiểu hồng môn) thì trồng trong nhà ngon lành. Đặc biệt là loại Hồng môn thiên nga.


Ngoài những loại cây cho hoa này, bạn còn có thể chọn những loại cây chịu bóng râm để trồng trong nhà, trang trí và tạo cảm giác mát mẻ cho phòng khách nhà bạn.

Sáng giá nhứt là các loại fern / dương xỉ. Đặc biệt thích hợp chưng trong nhà là loại dương xỉ Maidenhair fern. Loại dương xỉ này thích hợp với mọi miền khí hậu.

Dây Ivy (tên tiếng Việt là thường xuân) cũng thích hợp trồng ở những chỗ nắng yếu. Tuy nhiên nếu trồng ở xứ nóng thì cây không bền như ở xứ lạnh.


Cây "càng cua kiểng" / peperomia cũng là một loại cây khá phù hợp để chưng ở phòng khách. Cây này thích hợp trồng ở xứ lạnh, nếu trồng ở xứ nóng thì phải chăm hơi cực hơn do cây có dạng mọng nước, dễ bị úng nếu khí hậu nóng ẩm nhiều.

Bên cạnh đó, bạn còn có thể trồng dây trầu bà, cây phát tài hoặc kim phát tài. Tất cả những loại cây này khá phù hợp với khí hậu nóng.
Tuy là cây chịu sống trong nhà, bạn cũng cần thỉnh thoảng cho chúng ra ngoài một vài tuần để "cải thiện".
Thêm một tí mẹo nhỏ để giúp bạn chưng cây trong nhà; theo đó bạn nên gom những chậu cây vào một chổ, tạo nên những "góc cây". Nếu đặt chúng rải rác, sẽ không tạo được ấn tượng mạnh; nếu cần bạn có thể đặt chúng cạnh những bức hình hoặc vật trang trí khác.
Chúc bạn có một phòng khách ấm cúng với cây và hoa điểm xuyết, xinh tươi.

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Trồng cây sen đá, xương rồng bằng gì?

Cây mọng nước là những loại cây mà lá của chúng tích trữ phần lớn là nước, bao gồm xương rồng và các loại cây như Sao biển, Móng rồng, Sen đá, v.v... Ở Saigon người bán cây mọng nước thường trồng chúng bằng tro trấu; ở Dalat thì thấy trồng bằng đất đen Dilinh xay nhỏ + tro trấu. Những loại chất trồng này có ưu thế là mịn, giữ ẩm nhiều giúp cho cây mau bén rễ lúc mới trồng.

Nhưng cái hại của loại chất trồng đó là giữ quá nhiều nước và sau một thời gian sẽ làm cho rễ cây bị úng, cây trở nên còi cọc và chết dần nhất là khi được nuôi trồng ở những vùng miền có khí hậu nóng và ẩm, cho dù chúng ta tưới rất ít vì bản thân cây mọng nước đã có sẵn một lượng nước để nuôi cây.


Nếu quan sát kỹ chúng ta sẽ thấy, ví dụ cây xương rồng dại thường mọc ở những đồi cát nắng nóng ven miền Trung. Ở đó chẳng ai tưới cho chúng và mùa khô ở Việt Nam kéo dài ít nhất là 6 tháng mà cây vẫn sống và phát triển.  Vì vậy muốn trồng cây mọng nước được tốt chúng ta cũng cần phải mô phỏng điều kiện sống tự nhiên của chúng, đặc biệt là chất trồng, đó là chất trồng phải thật sự thoáng, thoát nước tốt để không bị ẩm ướt. Muốn thế chúng ta chọn chất trồng cho cây mọng nước như sau:
- 3 phần đá granite đập vụn, hoặc đá thủy sinh, có đường kính khoảng 1-2 mm;

- 1 phần trấu mục hoặc trấu tươi;
- phân dynamic lifter.


Những chất này có nhiệm vụ vừa giữ ẩm, vừa thoát nước và cung cấp một phần dưỡng chất cho cây.

Với chất trồng như thế này, chúng ta có thể yên tâm để chậu cây mọng nước ngay ngoài mưa, không cần mái che và không sợ bị úng rễ bởi lẽ tất cả nước tưới vào đều thoát được hết ra ngoài, nhưng phần còn lại trong chậu vẫn đủ ẩm để rễ cây phát triển.

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

Chậu trồng cây

Xưa nay những người sống ở thành phố, ít nhiều mỗi nhà đều có một vài chậu kiểng. Đàn ông lớn tuổi thì thích trồng cây lưu niên, phụ nữ thì trồng hoa hồng, hoa cúc. Nhưng ít ai để ý đến cái chậu như thế nào thì tốt cho cây.

Phần lớn mọi người có suy nghĩ rằng, cây trồng trong chậu vì phải gò bó nên nếu có được cái chậu càng to, chứa được càng nhiều "đất" càng tốt cho cây vì nó sẽ thỏa thuê phát triển, giống như ở ngoài đất. Vì vậy, cho dù cái cây nhỏ xíu, họ cũng trồng vào một cái chậu khá to, to gấp nhiều lần nhu cầu sinh trưởng của nó. Kết quả là biết bao nhiêu cây hoa, cây quả lần lượt ra đi không kèn không trống. Và không ai hiểu tại sao.
Theo các diễn đàn sân vườn nước ngoài nơi các thành viên đã bỏ nhiều công nghiên cứu, phần lớn cây bị chết là vì... cái chậu trồng to quá, chứa nhiều "đất" quá! Và họ lý giải chuyện "chậu to cây chết" như sau: khi cây còn nhỏ, bộ rễ còn ít và nhu cầu hút nước cũng ít. Trong khí đó cái chậu thì to, chứa nhiều chất trồng. Khi tưới nước, nước sẽ ngấm vào chất trồng và nằm ở đó. Ngày một ngày hai, lượng nước tích lại không được tiêu thụ bởi vì cây nhỏ, nhu cầu về nước không nhiều, dẫn đến làm cho úng rễ chết cây.
Vậy thì nên chọn chậu cho cây như thế nào?
Về lý thuyết thì chậu cây chỉ nên có đường kính lớn hơn từ 2cm đến 5cm so với bầu rễ của cây. Với cái chậu "chật chội" như vậy, và với chất trồng không đất / soilless mix, lượng nước giữ lại trong chất trồng chỉ đủ cho nhu cầu của cây. Vì vậy chất trồng luôn khô thoáng giúp cho rễ cây phát triển tốt. Và cứ thế cây lớn dần.
Khi thấy rễ cây thò ra ngoài lỗ thoát nước bên dưới đáy chậu cũng là lúc cần thay cái chậu khác cho cây. Cái chậu mới cũng sẽ có đường kính không lớn hơn bộ rễ từ 2cm đến 5cm. Cứ thế chúng ta thay dần chậu, và cả chất trồng, cho cây cho đến khi nào cây hết lớn thì thôi.

Nhiều người cho rằng cái lý thuyết đó không hẵn đúng, vì cây trồng ngoài đất bao la, mà sao nó không chết?! Xin thưa rằng ở ngoài đất, nước và rễ cây không bị giam hãm. Nước tưới thừa sẽ tha hồ ngấm sang chỗ đất khác; còn rễ cây cũng tha hồ bò vươn tới những nới có điều kiện sinh sống phù hợp với nhu cầu của nó. Cho nên cây trồng ngoài đất không bị nguy cơ úng rễ như cây trồng trong chậu, nơi mà nước không thể thoát hết ra ngoài và rễ cũng không thể chạy đi khỏi vành chậu!
Tóm lại, cây trồng trong chậu cần được quan tâm nhiều hơn cây trồng ngoài đất: phải quan tâm đến chất trồng và quan tâm đến cả kích thước của cái chậu nữa.

Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Tưới cây cho tốt

Đối với các loại cây trồng trong chậu, chúng dễ bị chết vì úng nước hơn là khô nước. Khô nước cây mất sức và chỉ chết sau nhiều ngày như thế. Còn úng nước thì cây chết liền, chỉ trong vòng 2, 3 ngày là đi tong. Cho nên chuyện tưới tắm cho cây trồng chậu rất chi là quan trọng; chúng ta phải biết cách tưới sao cho cây đủ nước mà không bị úng.

Chất trồng chậu giữ vai trò chính trong việc giữ nước cho bộ rễ hút. Nếu chất trồng quá mịn, quá chặt... nước sẽ bị giữ lại nhiều dẫn đến bộ rễ cây bị ngộp và cây chết. Ngược lại nếu chất trồng quá thô, quá thoáng... nước sẽ thoát đi hết không đủ ẩm cho bộ rễ phát triển. Do vậy mà chúng ta tưới như thế nào còn tùy thuộc vào chất trồng trong chậu nữa.


Loại chất trồng "không đất" mà chỉ toàn là những loại hữu cơ khác như trấu, than củi đập vụn. Loại chất trồng này có ưu thế là vừa thoát nước tốt lại vừa giữ được ẩm độ cần thiết cho cây, sau khi chúng đã trương nước đủ. Điều này có nghĩa là, khi chất trồng này còn mới, chúng ta phải tưới thật đẫm có thể phải là nhiều lần trong ngày để giúp các chất hữu cơ trương nước. Sau đó, chúng ta chỉ cần tưới mỗi ngày một lần là đủ.  Với chất trồng này chúng ta không sợ "tưới quá tay" bởi vì chất trồng này đủ độ thoáng nên không giữ nước ở trong chậu.

Ngoài ra, chúng ta chỉ nên tưới cây trong chậu khi chất trồng trong ấy đã khô. Muốn biết vậy, chúng ta nên thọc ngón tay vào trong chậu để thẩm định xem chất trồng còn ướt hay đã khô.
Khi tưới cây trong chậu, chúng ta cũng nên tưới cho đến khi nào thấy nước thoát ra phía dưới chậu. Làm như vậy vừa bảo đảm đủ nước cho rễ, cũng đồng thời giúp cho bộ rễ vươn tới đáy chậu, vừa giúp loại bỏ chất muối do phân bón tích lũy lại trong chậu. Nếu chúng ta tưới quá ít, chỉ thấm mỗi phần chất trồng ở mặt chậu, bộ rễ cây sẽ "lười biếng" không vươn tới đáy chậu sẽ gây ra yếu rễ, cây không tốt.

Tóm lại, cây trồng trong chậu cần được tưới đúng cách để bảo đảm bộ rễ phát triển đầy đủ, có sức mạnh hút chất dinh dưỡng để nuôi cây.

Vườn mát ngày hè

Những khu vườn xanh um cây cỏ sẽ là địa điểm thú vị để bạn hòa mình vào với thiên nhiên, tránh cái nắng oi ả của ngày hè.

Góp nhặt từng hơi thở của thiên nhiên vào cuộc sống, được cùng trải nghiệm những cảm giác thú vị bên mảnh vườn nhỏ của mình là điều "dễ chịu" mà bạn luôn muốn tìm đến sau bộn bề cuộc sống. Mỗi khi đi làm về, bạn có thể bước chân ra vườn, ra mảnh sân nhỏ hay ngắm nhìn những bông hoa nở hai bên lối đi ra vườn... Những bước chân sẽ giúp bạn hòa mình với thiên nhiên và tìm lại sự cân bằng trong tâm hồn.

Nếu ở nhà phố, thiết kế được một mảnh sân nhỏ để ngồi nghỉ ngơi, hóng gió trong những buổi chiều hè cũng là một điều không dễ dàng khi bị giới hạn về diện tích. Nhưng nếu khéo léo, mảnh sân trước hoặc sân sau nhà bạn vẫn đủ cho một không gian vừa phải cho cây cỏ và phòng khách ngoài trời.
Bất cứ loại cây nào bạn thích, bạn đều có thể mang chúng về mảnh sân nhỏ xinh của mình. Tuy nhiên, bạn hãy sắp xếp chúng thật khoa học để nơi nghỉ ngơi và ngắm cảnh của bạn được thoải mái. Nếu diện tích khá eo hẹp, bạn có thể treo những cây hoa nhỏ xinh hai bên tường rào hoặc trên giàn thép...

Đối với khu vườn rộng, bạn sẽ có nhiều lựa chọn hơn cho căn phòng ngoài trời và góc nghỉ ngơi trong khu vườn nhà mình. Kỳ công trong việc thiết kế cũng như tạo một "căn phòng ngoài trời" bằng gỗ mang phong cách châu Âu sẽ giúp ngôi nhà của bạn thêm chốn nghỉ ngơi đầy thú vị.
Đặt một chiếc ghế dài để ngắm cảnh ngay lối đi đầy cây cỏ và hoa lá phía sau nhà cũng có thể mang đến cho cuộc sống của bạn ngập tràn niềm vui.

Dạo bộ trên lối đi nhỏ trong vườn và ngồi hóng mát giữa bóng cây xanh trong vườn là điều vô cùng tuyệt vời khi bạn sở hữu khu vườn rộng.

Hãy tự tạo một vườn hoa nho nhỏ, vuông vắn với những loài hoa mà bạn yêu thích giữa bãi cỏ xanh mướt mát ở ngôi nhà vườn của bạn. Những màu sắc rộn ràng của các loài hoa tạo nên khung cảnh lãng mạn và êm đềm cho khu vườn nhà bạn.

Một bữa tiệc nhỏ đầm ấm của gia đình được tổ chức ngoài trời, khu vườn của ban trở nên dịu dàng hơn bên ánh đèn lung linh buổi tối.
(Theo Archi)

Mẹo nhỏ cho khu vườn xinh

Căn nhà rộng với sân vườn thoáng mát là một không gian sống lý tưởng. Nhưng một góc nhỏ cũng là qúa đủ cho những người yêu thiên nhiên, biết chăm chút từng cánh hoa ngọn cỏ.
Những mẹo vặt sau đây sẽ giúp bạn có được một góc đẹp để thư giãn cùng gia đình, để thả hồn sau những bộn bề của cuộc sống.

Chậu hoa

Không bao giờ thiếu để tạo nên một khu vườn. Nhưng thay vì những chậu hoa theo mùa, bạn hãy chọn những loài hoa nở quanh năm để khu vườn luôn đẹp.

Hồ nước


Một thế giới thu nhỏ cần phải hội tụ đủ ngũ hành tương sinh tương khắc vì thế một khu vườn luôn cần có nước. Nếu khu vường của bạn không đủ chỗ cho một chiếu hồ thì hãy đặt một chum nước bằng sành, đất nung hay đá hoa cương. Thả vào đó thêm vài ba chú cá nhỏ sẽ làm khu vườn thêm sinh động.

Cây leo


Điểm lợi thế của loại cây này là sẽ tạo ra một màu xanh dịu mát. Không những thế, những nhánh dây leo còn làm cho ngoại thất ngôi nhà trở nên mềm mại và đáng yêu hơn.
Tạo tầng không gian

Một cách vừa tiết kiệm không gian, vừa tạo ra sự đa dạng và ấn tượng cho khu vườn của bạn là trồng theo kiểu tạo tầng. Mỗi một loài cây phù hợp với một độ cao nhất định để chiêm ngưỡng được hết vẻ đẹp của nó.

Phù điêu


Những bức phù điêu đá hoa cương được tạc hình hay những tác phẩm bằng gạch đầy chất dân gian có thể biến những bờ tường hay vách nhà trở nên đẹp mắt. Vừa tôn thêm vẻ đẹp của sân vườn, vừa có thể tạo nên những giá trị về tinh thần, đôi khi đó có thể là tâm linh trong cuộc sống thường nhật.

Thêm những bức tượng


Những hòn non bộ hoành tráng đã không còn được ưa chuộng. Chúng đã được thay thế bắng những tượng đá nghệ thuật được chế tác theo phong cách nhỏ nhắn hơn và xinh xắn hơn (phong cách Zen). Những bức tượng này không chỉ mang lạ sự sinh động cho khu vường mà còn là những điểm nhấn đầy văn hóa.

Tạo thêm điểm dừng


Bạn chỉ có thể thưởng thức hết khu vườn của mình khi là một phần trong nó. Chính vì thế, khu vườn cần ít nhất một khoảng trống hợp lý để có thể đặt vào đó một bộ bàn ghế nhỏ hay một chiếc xích đu. Thật tuyệt khi được ngồi đó thưởng trà, đọc sách hay hàn huyên với những người bạn.

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Trồng cây gì trong nhà ?

Một chậu cây trồng đặt đúng vị trí sẽ giúp không khí trong nhà lưu thông dễ dàng, giúp chúng ta ngủ ngon hơn… Tuy nhiên, không phải loại cây nào cũng có thể để trong nhà hay trong phòng ngủ.

Phòng ngủ:
 Một số loài hoa và cây xanh thường nhả khí ôxy vào ban ngày, khí cacbonnic vào ban đêm. Tất nhiên là chúng không tốt cho sức khỏe của bạn rồi.
 Tuy nhiên một số loại cây trồng có khả năng nhả khí oxy vào ban đêm như những cây thuộc họ dứa, lô hội hay phong lan. Vì vậy chúng rất thích hơp khi đặt trong phòng ngủ.
 Một nghiên cứu gần đây đã khẳng định rằng cây cối là một loại thuốc giải độc hữu hiệu cho những ngôi nhà “bệnh tật”. Chỉ một cây nhện (có lá mỏng và thân dài từ đó các cây non mọc lên) trong vòng 24 giờ đồng hồ có thể làm sạch đến 85% lượng chất fomanđêhyt trong buồng ngủ.
 Phòng khách và bếp:
 Có rất nhiều chất gây ô nhiễm có thể được tìm thấy trong nhà do các vật dụng thải ra như fomanđêhyt, benzen, xilen, amoniac, axeton, axetat… hay do chính con người và vật nuôi như cacbon đioxyt, cacbon monoxit, hyđrô, mêtan.
 Thật may mắn là hầu hết cây cối đều có tác dụng loại bỏ những độc tố này trong không khí. Chúng hấp thu những chất gây ô nhiễm qua lá và chuyển hóa thành những chất ít độc hại hơn. Thêm vào đó, hơi ẩm tiết ra từ cây cối có thể hạn chế sự sinh sôi phát triển của các vi khuẩn bay, giúp giảm nguy cơ gây dị ứng.
 Các nhà khoa học cũng ước lượng rằng chỉ cần 15 cây trồng rải rác khắp căn nhà có thể tác động rất tích cực đến chất lượng không khí trong nhà.
 Một vài loại cây thích hợp để trang trí và có lợi cho sức khỏe như huyết dụ, phong lan, thông cảnh, cây ráy thơm đỏ, cây nhện, cây rắn, hoa huệ tây, cây cọ cảnh, cây hoa cúc.
 Lưu ý:
 Các loai cây có thể gây nguy hiểm nếu chúng bị héo và bụi bẩn. Lúc này chúng sẽ là nơi cư ngụ hoàn hảo cho sâu bọ và côn trùng gây nên mầm mống của một số căn bệnh dị ứng.
 Để đảm bảo sức khỏe của gia đình hãy giữ cho những chậu cây cảnh luôn sạch sẽ, cắt tỉa gọn gàng, không bị sâu bệnh.
 Nếu bạn thích để cây trồng ra hoa trong nhà thì nên chọn những loại hoa ít phấn hoặc không có phấn để không gây dị ứng và bụi bẩn.
Theo article2k